Bàn chuyện gỡ khó cho du lịch

19/09/2023 502 0
Đâu là “điểm nghẽn” của du lịch Quảng Bình và làm gì để “khơi thông” những “điểm nghẽn” đó? Một hội nghị sơ kết do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì đã diễn ra ngay tại thời điểm Quảng Bình đang bước vào mùa du lịch sôi động. Đây được coi là diễn đàn trao đổi thẳng thắn, tâm huyết giữa UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch để giải đáp những thắc mắc nêu trên.

 

Ngành Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách đến Quảng Bình đạt 7-8 triệu lượt.

Nửa nhiệm kỳ vượt “sóng dữ”

Ngay sau Đại hội lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 9/12/2020 (gọi tắt là Chương trình hành động số 01) về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không chỉ vạch ra rõ ràng định hướng phát triển mà đó còn thể hiện quyết tâm của Quảng Bình trong phát triển du lịch, coi đây là nhiệm vụ, là ưu tiên hàng đầu.

Nửa nhiệm kỳ từ văn bản đến hành động diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi kinh tế-xã hội chịu tác động sâu sắc của dịch Covid-19. Trong cơn “sóng dữ”, con thuyền du lịch buộc lòng phải mạnh mẽ đương đầu, tìm phương án hiệu quả nhất để nhanh chóng phục hồi và vững tay chèo trên hành trình mới.

Cụ thể hóa Chương trình hành động số 01, UBND tỉnh và các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản gắn với điều kiện, tình hình phát triển của từng địa phương.

Du lịch Quảng Bình tiếp tục được khách du lịch, các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 chính là khoảng thời gian thử thách buộc tỉnh và các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng hướng, những thay đổi để thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để tồn tại. Ngay trong thời điểm cam go nhất, hàng loạt các văn bản chỉ đạo được ban hành để du lịch Quảng Bình nhanh chóng thích ứng, từng bước phục hồi.

Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ dự án của các tổ chức quốc tế, ngân sách địa phương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Các thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế lần lượt xuất hiện đã mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm dịch vụ cao cấp cho du khách khi đến với Quảng Bình.

Thị hiếu và nhu cầu của du khách có sự thay đổi lớn sau dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyển đổi phương thức quảng bá của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải liên tục đưa ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm sẵn có để tăng trải nghiệm cho du khách.

Nhiều địa danh ở Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Oxalis Adventure

Mùa du lịch 2023, du lịch Quảng Bình chứng kiến sự bùng nổ lượng khách tại một số điểm du lịch. Trong 6 tháng đầu năm đã đón gần 2 triệu lượt khách. Và tính từ khi triển khai Chương trình hành động số 01 đến nay, mặc dù bị gián đoạn bởi đại dịch, du lịch Quảng Bình vẫn đón được hơn 4,65 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 101.500 lượt khách. Du lịch Quảng Bình vẫn tiếp tục được khách du lịch, các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Địa phương… than khó

Được ví là “trái tim” của du lịch Quảng Bình, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) hiện có hơn 4.000 người dân tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương. Nhờ những quyết sách, chỉ đạo, các chương trình kích cầu, phát triển du lịch mà hoạt động du lịch đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thị trấn, làm thay đổi đời sống của người dân.

Các đơn vị kinh doanh du lịch không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm sẵn có để tăng trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn thì để phát triển du lịch, địa phương vẫn đang gặp vô vàn thách thức và những vướng mắc cần được tháo gỡ.

“Trung tâm du lịch nhưng khu chợ lại không được quan tâm đầu tư xây dựng nên tạm bợ, nhếch nhác như chợ xép. Các sản phẩm du lịch về đêm thì hoàn toàn không có nên không thể níu chân du khách lưu trú. Đó là chưa kể hệ thống điện chiếu sáng chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Bình thẳng thắn bày tỏ.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha, hiện trên địa bàn có hơn 15 dự án đầu tư du lịch chậm tiến độ, ảnh hưởng đến bộ mặt và sự phát triển của đô thị. Ông Bình mong muốn, UBND tỉnh cần đốc thúc các dự án sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động để tạo thêm nhiều việc làm cho con em địa phương.

Cùng chung trăn trở với ông Bình, ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa) cho biết, với định hướng xây dựng Tân Hóa-điểm đến vốn đã hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế-trở thành một trung tâm du lịch trọng điểm phía tây bắc Quảng Bình thì địa phương cũng rất cần đầu tư hệ thống hạ tầng phát triển du lịch.

Hoạt động du lịch đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trước hết, là nâng cấp tuyến đường từ ngã ba qua Tân Lý về UBND xã để thuận lợi cho các phương tiện du lịch lưu thông. Hiện, Tân Hóa có hơn 100 con em địa phương tham gia vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Thường xuyên tiếp xúc với khách nước ngoài nhưng các kỹ năng ngoại ngữ của người dân còn rất hạn chế.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ quan tâm, mở nhiều lớp đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch tại địa phương, nhất là năng lực ngoại ngữ”, ông Duẩn bày tỏ.

Nhanh chóng xử lý tình trạng chèo kéo khách trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, chấn chỉnh đội ngũ lái xe điện chở khách du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại Bàu Tró (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới)… đó là những kiến nghị, đề xuất được nhiều địa phương, doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình hành động số 01. Những vướng mắc cũng dần được “mổ xẻ” với hy vọng sẽ có được những quyết sách, định hướng gỡ khó kịp thời. Nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm được chia sẻ chân tình, thẳng thắn, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của địa phương và doanh nghiệp trong việc đồng hành phát triển du lịch tỉnh nhà.

Từ khi triển khai Chương trình hành động số 01 đến nay, du lịch Quảng Bình đón hơn 4,65 triệu lượt khách.

Từng bước đưa du lịch đi vào chiều sâu

Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đó luôn là kết luận được rút ra từ rất nhiều cuộc họp đánh giá tổng kết, sơ kết của ngành Du lịch. Nhưng vì sao và làm gì để rút dần khoảng cách giữa tốc độ và tiềm năng phát triển thì vẫn luôn là bài toán khó. Ngay tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp khẳng định quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình hành động số 01.

Theo đó, ngành Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng số khách đến Quảng Bình đạt 7-8 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 10-20%. Đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10-12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Muốn đạt được mục tiêu này và để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần có sự đầu tư thích đáng cùng những cơ chế đặc thù, những chính sách mang tính đột phá.

Và như khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong tại hội nghị sơ kết thì phát triển du lịch cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia. “Để du lịch thực sự phát triển xứng tầm với vai trò là mũi nhọn của nền kinh tế, cần có sự đổi mới, sáng tạo trong cách làm du lịch. Các doanh nghiệp cũng cần khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, bảo đảm quy hoạch, khai thác du lịch gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển, từ đó, từng bước đưa du lịch đi vào chiều sâu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong nhấn mạnh.

Theo Diệu Hương – Báo Quảng Bình

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu