“Mặt trời” đã mọc ở phía Tây

19/09/2023 5118 0
Sáng cuối tuần, nơi khu nghỉ dưỡng mới được khai trương, những đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với làn da đen sạm, khoác lên mình bộ đồng phục còn tươi mới nở nụ cười hồn hậu đón khách. Ở họ, toát lên một niềm tin và hy vọng mạnh mẽ về một ngày không xa, vùng quê yên bình này sẽ không còn đói nghèo mà rộn ràng bước chân khám phá của lữ khách bốn phương. Sau “đêm tối”, “mặt trời” đã mọc nơi phía tây nam Quảng Bình. Và “ngày mới” đã thực sự bắt đầu nơi núi rừng thâm u.

Đất thiêng

Theo cuốn Địa chí huyện Lệ Thủy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khu vực suối Bang (nay thuộc xã Kim Thủy-P.V) là chiến khu của huyện Lệ Thủy. Đầu năm 1961, Bang-làng Ho được Bộ Tư lệnh Đoàn 559 chọn làm khu căn cứ và Sở Chỉ huy. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là điểm xuất phát của các đơn vị quân đội và là nơi tập kết của hàng hóa từ miền Bắc chuyển vào rồi theo đường 16 chuyển vào chiến trường miền Nam.

Năm 1973, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 đã cho xây dựng trạm điều dưỡng cùng với việc ngăn suối Bang, tạo điểm hội thủy giữa hai nguồn nước nóng và mát, xây bể tắm phục vụ bộ đội Trường Sơn cùng thương, bệnh binh được chuyển về từ các chiến trường. Trong tâm thức của nhiều người đã đi qua khói lửa chiến tranh, những địa danh phía tây nam Quảng Bình như Bang-làng Ho hay Lâm Thủy, Ngân Thủy của huyện Lệ Thủy là vùng đất thiêng liêng, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của bao cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn. Máu xương họ đã đổ xuống để cho rừng mãi mãi xanh tươi.

Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy-sản phẩm của Công ty TNHH Netin.

Nửa thế kỷ trôi qua, ông Nguyễn Sỹ Hùng, cựu chiến binh tại xã Hải Phú (Bố Trạch) vẫn không thể quên được những năm tháng đóng quân tại vùng đất Bang-làng Ho từ năm 1973-1975. Thời điểm đó, ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341. Với ông, núi rừng Trường Sơn với những khe suối, cánh rừng và đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản làng Ho thân thương như máu thịt.

Thời điểm ấy, dù chiến tranh vẫn còn ác liệt nhưng mỗi khi ngâm mình trong làn nước khoáng nóng Bang của vùng rừng núi này, ông và đồng đội lại ao ước về một tương lai không xa, khi đất nước thống nhất, nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch nghỉ dưỡng. “Suối Bang thường là nơi lui tới của cán bộ, chiến sĩ sau mỗi ngày huấn luyện. Không chỉ thời điểm đó mà cho đến mãi sau này, mỗi khi có dịp thăm lại vùng đóng quân xưa, cựu chiến binh chúng tôi cứ mong mỏi nơi này sẽ thành điểm du lịch, để đồng bào mình bớt khổ”, ông Hùng bộc bạch.

“Thức dậy” một vùng đất

Với nhiều người, thời khắc bấm nút ra mắt Bang Onsen Spa&Resort mang đến nhiều xúc cảm khó tả. Họ là những người dân sinh ra và trưởng thành nơi mảnh đất heo hút phía biên cương, chứng kiến bao thăng trầm, đi qua bao khó khăn của quê nghèo Kim Thủy. Hơn ai khác, họ mong mỏi lắm một sự đổi thay đủ để “thức dậy” một vùng đất nơi núi rừng thâm u.

Anh Hồ Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy rưng rưng: “Chúng tôi kỳ vọng việc ra đời khu nghỉ dưỡng này sẽ là cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hơn tất cả là tạo việc làm ổn định cho bà con. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100 bà con Bru-Vân Kiều đang làm việc tại Bang Onsen Spa & Resort”.

Sự ra đời của Bang Onsen Spa&Resort mang đến nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế-xã hội phía Tây Nam.

Như dòng chảy gập ghềnh qua bao đồi, bao núi, suối Bang cũng đi qua nhiều chật vật, có lúc tưởng chừng đã bị lãng quên. Đến hôm nay, ngọn suối này đã được “đánh thức” bởi dự án Bang Onsen Spa&Resort do Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh (Tập đoàn Trường Thịnh) làm chủ đầu tư. Theo ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch tập đoàn, dự án đi vào hoạt động ngoài sự thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch và thương mại, sẽ góp phần tạo nhiều việc làm ổn định cho người dân, đặc biệt là bà con Bru-Vân Kiều. Dự án hứa hẹn sẽ tạo nên hiệu ứng đa dạng đối với du lịch của Quảng Bình, thúc đẩy phát triển du lịch suốt 12 tháng trong năm thay vì 3-4 tháng mùa hè như hiện nay.

Cùng với suối Bang, phía tây nam Quảng Bình là vùng đất sở hữu vô vàn cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ. Trong đó, “kho báu” Động Châu-khe Nước Trong là nơi sinh trưởng của nhiều loài động, thực vật quý hiếm; hang Chà Lòi, hang Kiều… với hệ thống thạch nhũ lung linh, kỳ ảo; những con suối uốn lượn giữa đại ngàn; những thung lũng xanh mướt mắt nằm ẩn mình giữa các bản làng giàu bản sắc văn hóa. Nơi đó tựa như “nàng công chúa” đẹp đẽ đang chìm sâu trong giấc ngủ và đang từ từ được đánh thức bởi những bàn tay, khối óc và trái tim nhiệt huyết.

Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, Công ty TNHH Netin hay Tập đoàn Trường Thịnh…, mỗi đơn vị đều mang trong mình một khát vọng riêng nhưng đang cùng chung một ý tưởng “thức dậy” vùng đất còn nhiều khó nghèo. Các dự án du lịch đang được triển khai tại các xã thuộc vùng tây nam Quảng Bình đang dựa theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên, hoang sơ của cảnh quan, góp phần tạo nên giá trị cho cộng đồng địa phương, bảo tồn văn hóa bản địa.

Phía tây nam có gì hấp dẫn?

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Quảng Bình luôn là vùng đất mang đến cho du khách vô vàn sự lựa chọn. Thay vì chinh phục hệ thống hang động khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng hay đắm mình cùng du lịch biển, du khách có thể ngược lên phía tây nam của Quảng Bình để trải nghiệm các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn.

Khám phá vẻ đẹp rừng Động Châu-khe Nước Trong.

Trong đó, Công ty TNHH Netin có các sản phẩm, như: Khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn; khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong cũng đang triển khai thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên thác Mụ Mệ, vườn Địa Đàng, hang Vàng và thác Lụa tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy”. Cùng với đó, sự ra đời của Bang Onsen Spa&Resort góp phần định vị vùng du lịch phía Nam Quảng Bình-một trong những vệ tinh của trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.

Với độ sôi 105oC, suối nước khoáng nóng Bang vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là suối có độ sôi cao nhất Việt Nam. Sau hành trình trekking hấp dẫn len giữa cánh rừng nguyên sinh, rồi chinh phục Cổng Trời, vượt thác Dương Cầm sâu trong đại ngàn Động Châu-khe Nước Trong hay khám phá hang Chà Lòi, du khách có thể lựa chọn nghỉ dưỡng tại Bang Onsen Spa&Resort để phục hồi lại sức khỏe.

Sau những hành trình khám phá bất tận, du khách cũng có thể về với trung tâm huyện Lệ Thủy tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng chùa Hoằng Phúc hay Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lắng nghe hò khoan Lệ Thủy, trải nghiệm du lịch sinh thái trên phá Hạc Hải… Hành trình khám phá tại vùng đất phía Nam Quảng Bình chắc chắn sẽ mang đến cho lữ khách những trải nghiệm khó quên.

Theo Diệu Hương – Báo Quảng Bình

Related Post

Sample Plan